Thêm đại gia địa ốc Trung Quốc nguy cơ thanh lý tài sản
Hôm 8/4, hãng bất động sản Trung Quốc Shimao Group cho biết China Construction Bank (Asia) – công ty con tại Hong Kong của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) nộp đơn đề nghị thanh lý tài sản hãng này lên Tòa án cấp cao Hong Kong.
CCB cho biết Shimao đã không thể trả khoản vay gần 1,6 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 202 triệu USD). Theo nguồn tin của Reuters, số tiền này gồm khoản cho vay trực tiếp của CCB cho Shimao, cùng các khoản hãng địa ốc vay từ nhóm ngân hàng có liên quan tới CCB.
Tin tức này khiến cổ phiếu Shimao trên sàn Hong Kong hôm nay giảm 18,7%, xuống thấp kỷ lục. Trong thông báo gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, hãng địa ốc này cho biết họ phản đối động thái của CCB và đang tìm cách tái cấu trúc khoản nợ nước ngoài lên tới 11,7 tỷ USD.
“Chúng tôi nhận thấy đây là yêu cầu đơn lẻ, không đại diện cho lợi ích của tất cả chủ nợ quốc tế cùng các bên liên quan khác của công ty”, Shimao cho biết. Phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 26/6.
Shimao được Hui Wing Mau thành lập năm 2001, chuyên xây các dự án nhà ở và khách sạn quy mô lớn tại Trung Quốc. Họ sở hữu Shanghai Shimao International Plaza – một trong những tòa nhà cao nhất ở trung tâm Thượng Hải.
Năm 2020, hãng là một trong 10 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số, với 460 dự án tại hơn 100 thành phố nước này. Tuy nhiên, tập đoàn này đã vỡ nợ tháng 7/2022, khi không thể trả lãi và gốc với lô trái phiếu trị giá 1 tỷ USD.
Động thái của CCB được đánh giá là bất ngờ trong thời kỳ khủng hoảng bất động sản. “Thông thường, các ngân hàng sẽ ưu tiên làm việc với bên đi vay nếu họ sẵn sàng hợp tác và có kế hoạch trả nợ. Trong tình huống này, có vẻ CCB đã hết lựa chọn và muốn Shimao phải thanh lý tài sản”, Fern Wang – nhà nghiên cứu tại KT Capital nhận định.
Cuối tháng trước, Shimao đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, nhóm chủ nợ lớn tỏ ra không hài lòng. Nguồn tin của Reuters cho biết theo các điều khoản đề xuất, họ phải chấp nhận mất nhiều tiền và không được trả trước khoản nào.
Địa ốc Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021, do các chính sách nhằm giảm đòn bẩy trong nền kinh tế. Hàng loạt hãng bất động sản vỡ nợ, trong đó có China Evergrande và Coutry Garden – hãng bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Evergrande đầu năm nay nhận phán quyết phải thanh lý tài sản. Country Garden cũng đang đối diện nguy cơ tương tự.
Hơn một năm qua, giới chức Trung Quốc tung hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường này. Tuy nhiên, chúng chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Hà Thu(theo Reuters)